Chủ đề: Tương quan vùng nguyên liệu – chế biến sâu – dăm
Như đã đề cập trong bài viết: Mất cân đối giữa vùng nguyên liệu và năng lực chế biến sâu, hiện có tín hiệu ngành dăm phát triển không bền vững.
Bởi vậy, ngành dăm không thể tồn tại như hiện nay mà cần phải thay đổi trong tương lai. Một trong những hướng thay đổi là các doanh nghiệp ngành dăm cần đa dạng hóa sản phẩm đầu ra của mình thay vì chỉ trọng tâm vào duy nhất sản phẩm dăm.

Dăm gỗ có thể đưa vào sản xuất MDF, sản xuất viên nén và làm bột giấy. Tuy nhiên, mỗi loại hình sản phẩm đòi hỏi chất lượng và tiêu chuẩn dăm khác nhau. Do vậy, các doanh nghiệp dăm cần nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm đầu ra phù hợp với nhu cầu và yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình sản phẩm này. Ngành sản xuất MDF của Việt Nam hiện đa trên đà phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất các mặt hàng gỗ khác như tủ bếp, nhà tắm… phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Cần có nghiên cứu về thực trạng và xu hướng phát triển của ngành sản xuất MDF trong tương lai và dựa trên các kết quả đói đưa ra các dự báo về lượng và chất lượng dăm cần thiết cung cho ngành này trong tương lai. Xuất khẩu viên nén từ Việt Nam tăng rất nhanh trong thời gian vừa qua, chủ yếu nhằm đáp ứng cho nhu cầu nguyên liệu của ngành năng lượng sinh học từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhu cầu viên nén tại các thị trường này ngành càng tăng trong tương lai.
Bên cạnh đó, một số nhà máy điện và một số lò sấy của Việt Nam đã bắt đầu sử dụng viên nén làm nguyên liệu đầu vào. Ngành dăm cần nghiên cứu và tính toán trong việc chuyển đổi một phần sản phẩm đầu ra của mình sang sản xuất viên nén phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu trong tương lai. Ngành công nghiệp giấy của Việt Nam hiện chưa phát triển đúng với tiềm năng, cả trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa lẫn trong khâu xuất khẩu. Hầu hết các nhà máy sản xuất bột giấy hiện tại của Việt Nam đều có công suất nhỏ, khoảng 130.000 tấn bột/năm, với công nghệ cũ. Việt Nam tiếp tục nhập giấy trắng để sử dụng và giấy phế liệu làm nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất giấy. Sử dụng giấy phế liệu đầu vào cho ngành giấy trong bối cảnh công nghệ lạc hậu sẽ gây ra những hệ lụy về môi trường.
Nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường, chính phủ Trung Quốc đã chính thức cấm nhập giấy phế liệu chưa chọn lọc (mixed waste paper) từ tháng 7 năm 2017. Chính phủ Úc đang cân nhắc khả năng ban hành lệnh cấm xuất khẩu giấy phế liệu chưa chọn lọc.
Các lệnh cấm này có thể làm cho nguồn cung giấy phế liệu trong tương lai giảm, tạo cơ hội cho việc sử dụng các nguồn nguyên liệu sạch hơn. Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất bột giấy tại Trung 24 Quốc đang được xây dựng mới hoặc /và mở rộng nhanh chóng, đòi hỏi một lượng cung nguyên liệu rất lớn. Ngành dăm Việt Nam cần nghiên cứu và cân nhắc chuyển đổi sản phẩm đầu ra theo hướng sản xuất bột giấy nhằm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Khu vực Miền Trung là trung tâm của nguồn gỗ rừng trồng có thể phát triển một nhà máy sản xuất bột giấy với công suất lớn, khoảng 2 triệu tấn bột/năm. Một nhà máy với công suất này đòi hỏi một lượng cung gỗ nguyên liệu rừng trồng đầu vào tương đương khoảng 8 triệu m3/năm.
Nhà máy này có thể đặt tại khu vực Quảng Ngãi, hoặc vùng Nghệ An – Hà Tĩnh, nơi có nguồn gỗ nguyên liệu dồi dào và thuận tiện cho việc tiếp cận các cảng nước sâu. Tuy nhiên, đầu tư nhà máy sản xuất bột giấy quy mô này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, khoảng 600-700 triệu USD, vượt xa khả năng tài chính của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành gỗ/dăm. Chính phủ cần vào cuộc, bảo lãnh cho các khoản vay này của các công ty. Đầu tư vào nhà máy sản xuất bột giấy giúp nâng cao sức cạnh tranh đối với nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng, góp phần tăng giá gỗ nguyên liệu, đem lại lợi ích cao hơn cho các hộ trồng rừng và tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn dăm.
Nguồn: goviet
Bài viết liên quan:

Tư vấn và hỗ trợ các giải pháp về chế biến gỗ.